Thoát vị là thuật ngữ được dùng khi một khu vực trong lớp mô liên kết bị rách hoặc yếu đi. Khi thoát vị xảy ra, các mô khác thông thường được giữ bởi lớp mô tổn thương ấy sẽ bị phình hoặc lồi ra qua vết rách.
Thoát vị có thể xảy ra ở các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Khi thoát vị xảy ra ở háng, nó được gọi là Thoát vị bẹn hoặc Thoát vị đùi. Đó cũng là loại thoát vị phổ biến nhất trong tất cả các loại thoát vị. Thoát vị bẹn có thể hình thành một túi phúc mạc bao bọc lấy một đoạn vòng ruột hoặc màng chất béo ở bụng.
Vậy, thoát vị bẹn có các triệu chứng ra sao?
Thoát vị bẹn thường không có triệu chứng rõ rệt. Nhưng khi triệu chứng xuất hiện, thường là:
- Cảm giác nặng nề hoặc kéo căng ở vùng háng.
- Đau âm ỉ, đặc biệt càng đau hơn khi ho, gắng sức, nâng vác hoặc khi cần phải sử dụng các cơ ở gần khu vực bẹn.
- Khối phình lên hoặc một cục u ở háng.
Thoát vị có thể trở nên rất đau đớn và nguy hiểm nghiêm trọng nếu các mô ở vùng thoát vị bị tắc lại và không thể trượt về vị trí cũ trong ổ bụng. Khi điều này xảy ra, chúng ta gọi đó là Thoát vị nghẹt; các mô không có đủ máu đến nuôi, chúng sẽ bị tổn thương và chết.
Chẩn đoán thoát vị như thế nào?
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi bạn cảm thấy một khối phồng ở vùng bẹn hoặc có cảm giác kéo căng hay đau ở vùng bẹn ngay cả khi không thấy khối phồng. Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán thoát vị qua khám lâm sàng. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ho khi ấn vào khối phình ấy. Việc này có thể không thoải mái nhưng rất cần thiết trong việc tìm ra nguyên nhân bệnh.
Chữa thoát vị như thế nào?
Thoát vị cần được xử lý bằng phẫu thuật. Thông thường, nếu túi phúc mạc có thể đẩy nhẹ nhàng về lại ổ bụng, bạn có thể từ từ sắp xếp thời gian chọn ngày phẫu thuật với bác sĩ của bạn. Tuy nhiên, nếu khối thoát vị bị tắc và không thể đẩy về vị trí cũ, các mô bên trong có thể bị tổn thương. Và nếu bạn cảm thấy đau xung quanh khối phồng hoặc không khoẻ, bạn cần phải lập tức gọi cho chuyên gia phẫu thuật để xử lý ngay.
Bác sĩ phẫu thuật có thể xử lý thoát vị bằng 2 cách. Phương thức phẫu thuật tốt nhất sẽ được quyết định dựa trên kích cỡ của khối thoát vị, dựa vào việc khối thoát vị trước đây đã từng được xử lý qua chưa, và tình hình sức khoẻ nói chung của bệnh nhân. 2 phương thức xử lý thoát vị là:
- Mổ hở: Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện một vết cắt ở gần khu vực thoát vị. Sau đó bác sĩ sẽ nhẹ nhàng ấn để đẩy phần lồi ra về vị trí cũ. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tái tạo thành bụng bằng việc gắn một lớp lưới nhân tạo và vá lại các lớp mô bị yếu. Tấm lưới sẽ giúp giảm tải và làm vững mạnh các lớp cơ. Như vậy, thoát vị sẽ ít có nguy cơ tái phát.
- Mổ nội soi: Khi mổ nội soi, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo vài vết cắt nhỏ trên ổ bụng. Sau đó bác sĩ sẽ đưa camera và các thiết bị y khoa mỏng, dài vào gần khu vực thoát vị qua các vết cắt nhỏ ấy. Qua sự trợ giúp của camera, các lớp mô yếu sẽ được vá lại và gắn lưới nhân tạo. Phẫu thuật nội soi khá tương tự với mổ hở, nhưng vết cắt nhỏ hơn. Bệnh nhân sẽ cảm thấy ít đau hơn nhờ phẫu thuật nội soi bởi các vết cắt nhỏ nằm ở xa khu vực háng, do đó, không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động cử động hàng ngày.